“Tại sao đã có Google Earth mà các kiến trúc sư FTF vẫn đến tận hiện trạng mỗi khi có nhiệm vụ thiết kế một công trình mới? Có phải chúng tôi đang làm một việc vô nghĩa không?”
Thực tế thì chúng tôi biết rằng trên đời này có một quả địa cầu rất chi tiết ở trên mạng, bạn hoặc tôi đều có thể du lịch vòng quanh thế giới chỉ với vài cú click chuột. Nhưng để giải thích về hành động “vô nghĩa” của các kiến trúc sư, hãy bắt đầu từ cái tên của chúng tôi FTF Architect. FTF là từ viết tắt của “Face To Face”, dịch ra tiếng Việt là “Mặt đối mặt”. Không biết từ bao giờ, thói quen đối mặt đã ăn sâu vào ADN của các kiến trúc sư FTF. Chúng tôi luôn hiểu rõ lợi ích mà các công trình sẽ nhận được khi chúng tôi áp dụng thói quen đối mặt.
“Vậy cái khu đất trên ảnh thì khác gì với cái khu đất nhìn tận mắt, tại sao không đối mặt qua màn hình vi tính có phải nhàn hơn bao nhiêu không?”
Bình luận trên thoạt nghe thì có vẻ rất logic, nhưng sẽ là quá chủ quan nếu một kiến trúc sư suy nghĩ như vậy. Những thành viên của đội ngũ FTF sẽ đến thực địa ngay khi có thể, bởi chúng tôi cần cảm nhận khu đất nghiên cứu bằng cả 5 giác quan. Điều mà ta không thể làm được qua màn hình máy tính.
Đầu tiên cần phải kể đến là Thị giác. Chúng tôi nhìn khu đất với cái nhìn tổng thể để biết được tỉ lệ của cả những đối tượng bên trong lẫn bên ngoài khu đất. Kiến trúc sư cũng cần để ý cả những chi tiết nhỏ nhưng cũng có thể ảnh hướng lớn đến công trình. Và đôi khi là chúng tôi cần nhìn cả vào tương lai của khu đất sau khi công trình được xây dựng.
Tiếp đến là Thính giác, chúng tôi có thể nghe tiếng chim hót tại khu đất để xác định nên mở cửa sổ hướng này, hay chúng tôi sẽ nên xây một bức tường kín đáo để tránh tiếng ốn và khói bụi từ hướng khác.
Khứu giác cũng giúp chúng tôi cảm nhận mùi hương của cây ngọc lan đằng sau khu đất, một điều tuyệt vời mà đôi khi chính chủ đầu tư cũng chưa bao giờ để ý đến. Sẽ thế nào nếu ta có thể mở thêm cửa ra xây sau để thưởng thức trọn vẹn điều tuyệt vời đó?
Rồi chúng tôi phải đối mặt với khu đất bằng xúc giác, sờ nắm mặt đất, cảm nhận từng cơn gió thổi qua. Các kiến trúc sư cần cảm nhận bằng da thịt và tiếp nhận mọi thông tin từ khu đất, trong khoảnh khắc chúng tôi sẽ hoà làm một với khu đất, để rồi sẽ không còn những phán xét chủ quan. Biết đâu chúng tôi sẽ nghe được điều mà gió muốn nói cho FTF biết.
Và cuối cùng là Vị giác, đó cũng là phần cực kì quan trọng, chúng tôi thưởng thức ẩm thực địa phương, đó là cách chúng tôi nếm được hương vị cuộc sống nơi đây. Các kiến trúc sư có thể hiểu được rõ lối sống và những hoạt động thường ngày xung quanh khu đất, để rồi “công trình con cưng” mà chúng tôi đã nỗ lực thiết kế sẽ không bị lạc lõng giữa nơi mà nó thuộc về.
Giờ chúng ta hãy cùng suy nghĩ lại về câu hỏi lúc đầu “Kiến trúc sư có nên đối mặt với khu đất thông qua Google Earth không?”. Câu trả lời của chúng tôi là có, chúng tôi vẫn luôn nỗ lực khai thác sức mạnh của công nghệ, nhưng chúng tôi cũng sẽ luôn đối mặt với công trình bằng cả 5 giác quan. Điều gì tốt cho công trình dù là nhỏ nhất, thì đó là điều các kiến trúc sư tại FTF sẽ làm.
Radio chính thức của FTF: https://anchor.fm/ftf-architect