Có một khái niệm thú vị nói về cặp kỹ năng của con người khi phân tích sự vật hiện tượng, đó là Quan và Kiến. FTF xin phép chia sẻ về cặp khái niệm này chi tiết hơn như sau:
– Quan đại diện cho khả năng nhìn xa, tập trung vào tổng thể của vấn đề, trong khi Kiến là khả năng quan sát chi tiết, tập trung vào hiện tại và những vị trí cụ thể.
– Quan là khả năng dự đoán và hình dung tương lai, trong khi Kiến là khả năng đánh giá và hiểu rõ tình hình hiện tại.
– Quan thường liên quan đến việc sáng tạo và tưởng tượng, trong khi Kiến đòi hỏi khả năng tư duy liên kết với hiện trạng và thông tin thực tế.
Một ví dụ gần gũi về khái niệm Quan và Kiến có thể được thấy qua sự nghiệp của siêu sao bóng đá Lionel Messi. Anh là một biểu tượng của bóng đá với khả năng đặc biệt trong việc kết hợp Quan và Kiến. Khi vào trận đấu, cả 22 cầu thủ đều đứng trên sân, có thể nói 1 cách tương đối là tầm nhìn và góc nhìn vật lý của họ là như nhau. Nhưng với cùng điều kiện như vậy, không phải ai cũng nhìn thấy một lượng dữ liệu giống nhau. Khi đặt chân lên sân bóng, Messi thường chạy rất ít, thời điểm này anh đang sử dụng khả năng Quan. Anh tập trung vào tổng thể của trận đấu, dự đoán sự phát triển của trận đấu, đọc tình huống, hiểu khả năng và thói quen của từng cầu thủ trong sân, cùng với việc phân tích chiến thuật của đối thủ. Nhưng có lúc, Messi chuyển sang Kiến. Lúc này, anh tập trung vào thực tế của từng tình huống cụ thể, giúp anh có những pha xử lý bóng phù hợp với hoàn cảnh. Có rất nhiều những cầu thủ khéo léo và nhanh nhẹn, nhưng không phải ai cũng có được tầm nhìn và tư duy của Messi. Đây chính là sự kết hợp tinh tế của Quan và Kiến, giúp Messi trở thành một trong những cầu thủ vĩ đại trong lịch sử bóng đá.
Từ ví dụ trên ta thấy được cả hai khả năng này đều quan trọng trong cuộc sống, nó giúp chúng ta có được góc nhìn tốt trong mọi việc. Giờ chúng ta sẽ tập trung vào việc áp dụng cặp khái niệm Quan và Kiến vào lĩnh vực kiến trúc và xây dựng.
– Đối với chủ đầu tư, Quan cho phép họ nhìn ra thật xa, đoán định tương lai của dự án đầu tư, trong khi Kiến giúp họ xác định cụ thể về nguồn lực và các chi tiết cần thiết. Điều này giúp họ đưa ra các quyết định thông minh và quản lý rủi ro một cách hiệu quả.
– Trong quản lý dự án, Quan giúp nhìn tổng thể và hiểu rõ mục tiêu cuối cùng, trong khi Kiến giúp phát hiện những ưu điểm và nhược điểm của dự án. Sự kết hợp giữa cả hai khả năng này giúp tổ chức các bộ phận liên quan hoạt động một cách hiệu quả, đảm bảo tiến độ, chất lượng và chi phí của dự án.
– Đối với tư vấn thiết kế, Quan giúp tưởng tượng và sáng tạo ra hình ảnh cuối cùng của dự án. Trong khi đó, Kiến giúp hiện thực hóa những hình dung ban đầu, kết hợp với thông tin và tình huống cụ thể để giúp tạo ra những hình ảnh phối cảnh và bản vẽ chi tiết. Điều này đảm bảo dự án được triển khai đúng theo kỳ vọng của chủ đầu tư.
Một dự án thành công trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng thường đòi hỏi sự phối hợp hài hòa giữa Quan và Kiến từ phía chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các kiến trúc sư. Chắc chắn rằng việc nhìn hai chiều, tức là áp dụng cả khả năng Quan và Kiến, sẽ là yếu tố quan trọng để đảm bảo thành công của các dự án xây dựng.
Về phần mình, chúng tôi không có ý nói rằng FTF đã hoàn thiện kỹ năng Quan và Kiến, các kiến trúc sư FTF đã có nhiều những trải nghiệm thực tế để hiểu được tầm quan trọng của kỹ năng này, để rồi duy trì rèn luyện và áp dụng vào các công trình mà chúng tôi đặc biệt yêu thương.