Chắc các bậc phụ huynh không xa lạ gì với hình ảnh những đứa trẻ trong nhà tự dựng lên những không gian vừa vặn với chúng. Các con lấy đủ mọi thứ trong nhà, từ chăn gối đệm cho đến bàn ghế để ghép lại tạo ra những ngôi nhà nhỏ, rồi hí hoáy ngồi nghịch bên trong. Gần như em nhỏ nào cũng thích chơi trò “dựng lều” trong nhà như vậy. Việc này có thể được giải thích một cách ngắn gọn bằng từ “tỉ lệ”. Tỉ lệ có thể tác động mạnh đến cảm giác của chúng ta, nếu xác định được mục đích rồi xây dựng công trình với tỉ lệ một cách phù hợp, ta sẽ tạo ra được cảm giác mà mình mong muốn.
Những công trình nhà thờ cao hàng chục mét, với những đại sảnh rộng và sâu hút, các chi tiết cầu kì tỉ mỉ… mục đích là để con người cảm thấy nhỏ bé khi đứng trước đức chúa trời, để họ thấy sự linh thiêng của nhà thờ và quyền lực tối thượng của chúa. Khi bước chân vào nhà thờ, ta tự có được ý thức là cần hành động nhẹ nhàng, tôn kính.
Những công trình của nhà nước, tòa án, cơ quan thuế, các bộ ngành thường có thiết kế đăng đối (đối xứng), hình khối chắc nặng vững vàng (dưới to trên bé, dưới màu tối trên màu nhạt, dưới dùng vật liệu xù xì hoặc nặng, trên phào chỉ nhẹ nhàng)… mục đích để con người cảm thấy được sự uy nghiêm, chuẩn mực, chuẩn chỉ của pháp luật. Ta thấy nhiều chi tiết cột, phào, chỉ tường, trần cổ điển bởi vì những chi tiết cổ điển là những chi tiết đẹp mãi với thời gian, nó gây cảm giác pháp luật là điều cần thiết và đúng đắn; nó dựa theo những giá trị trường tồn, không phải theo chỉ một xu hướng tiểu tiết của đương đại.
Những công trình nhà ở thường thì trần nhà chỉ cao từ 2,8m đến 3,6m mục đích để tạo cảm giác ấm cúng, tỉ lệ ngôi nhà vừa với tỉ lệ con người. Ngôi nhà cũng thường tiết chế về hoa văn chi tiết, để bớt đi những căng thẳng. Ban ngày ta đi làm, đi học, gặp nhiều áp lực xã hội, thì ban đêm ta cần một tổ ấm để về, để hồi phục năng lượng.
Trên đây là những ví dụ khi chúng ta biết rõ mục đích trước khi thiết kế và xây dựng một công trình kiến trúc. Nhưng thực tế đôi khi lại không như vậy. Trong cuộc hành trình đáng nhớ của cuộc đời, người lớn chúng ta dường như đã quên mất cảm xúc của chính mình cũng cần được chăm sóc và tôn trọng. Áp lực cuộc sống bận rộn thường đánh bại ta, làm cho ta lạc hướng giữa mê cung cảm xúc của người khác. Lúc này ta thường rơi vào việc xây dựng những “công trình cho người khác nhìn vào”, chứ không phải “công trình để phục vụ cảm xúc của chúng ta”. Trẻ thơ lại hay có cái nhìn về tỉ lệ tốt hơn người lớn, chúng biết rằng chúng thấy dễ chịu khi ở trong một ngôi lều tự dựng bé tí phù hợp với tỉ lệ chúng muốn, và gần như không quan tâm người khác nghĩ gì về công trình của chúng. Miễn chúng tìm được sự yên bình và niềm vui, thế là được. Ca sĩ Đen Vâu có những lời hát rất hay để mô tả về trẻ con: “Những nụ cười mát như nước giếng khoan… và những đôi mắt trong như ngọn nguồn ánh sáng…”. Trẻ em có được nụ cười và đôi mắt ấy vì chúng biết rõ chúng muốn gì. Ở điểm này, có lẽ người lớn chúng ta nên học theo những đứa trẻ, và biết tôn trọng cảm xúc của bản thân mình nhiều hơn, để cuộc đời trở nên đáng sống, đong đầy niềm hạnh phúc và ý nghĩa.