Khách sạn Boutique đang dần trở thành một xu hướng rõ nét trong bối cảnh phát triển ngày càng mạnh mẽ của du lịch Việt Nam nói chung và của du lịch các thành phố là điểm đến yêu thích như Hà Nội, Hội An, Đà Nẵng, Hạ Long …
Có được sự phát triển nở rộ như vậy là bởi vì khách sạn boutique là những khách sạn vừa và nhỏ, chỉ từ 20 đến dưới 100 phòng, nên có thể được đầu tư bởi các chủ đầu tư địa phương. Lí do thứ hai là loại khách sạn này thường có phong cách thiết kế đặc sắc, sáng tạo giúp tối ưu việc sử dụng không gian và đáp ứng đúng nhu cầu của khách.
Tiết giảm không gian phòng mà vẫn đảm bảo tiện nghi
Có 2 lí do quan trọng đặt ra sự cấp thiết cho việc tiết giảm mạnh diện tích của phòng nghỉ trong khách sạn boutique. Một là nhằm tăng số lượng phòng để đảm bảo quy mô tối thiểu đem lại hiệu quả kinh doanh (từ 28 phòng trở lên). Trong điều kiện tấc đất tấc vàng thời nay thì để đạt được số lượng phòng như vậy giảm diện tích phòng là giải pháp khả thi hơn cả nếu vẫn đảm bảo được sự tiện nghi cần thiết.
Lí do thứ hai là khách hàng mục tiêu của khách sạn boutique có nhu cầu về không gian vừa phải do họ không cần chỗ làm việc rộng rãi, không mang theo nhiều quần áo làm việc, kiểu lễ phục để mà cần phải là lượt tức là ko cần tủ áo rộng, họ cũng không cần minibar, bàn nước hoành tráng. Cái họ cần là vị trí của khách sạn gần các khu phố cổ hoặc các điểm du lịch có tiếng và họ hướng tới những trải nghiệm thú vị, đậm nét bản sắc của địa phương.
Phòng khách sạn tiêu chuẩn 3* thông thường có các đồ nội thất sau: Giường, tab đầu giường, tủ quần áo, bàn ghế làm việc, bàn ghế uống nươc, ghế thư giãn đọc sách, minibar, giá để hành lí. Từ đó diện tích phòng nghỉ cần là từ 25-28 m2
Phòng khách sạn tiêu chuẩn 3* tại khách sạn Myway 84 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội
Trong khi đó phòng khách sạn boutique có diện tích thông thường chỉ từ 16-22m2 (bao gồm cả WC). Để đảm bảo được chất lượng của phòng nghỉ trong các khách sạn loại này việc tối giản đồ nội thất được thực hiện theo 2 hướng sau:
Thứ nhất là giản lược các đồ ít dùng ví dụ như không dùng bàn ghế làm việc ở dạng đầy đủ, bỏ bớt bàn ăn, bàn nước, thu nhỏ hoặc bỏ hẳn tủ áo
Thứ hai là tích hợp công năng giữa các đồ nội thất sao cho chúng có thể được sử dụng vào các mục đích khác nhau vừa đỡ tốn diện tích vừa đảm bảo tiện nghi. Một vài ví dụ như sau:
- Bàn viết kết hợp với bàn ăn
- Giá hành lý và bàn viết tích hợp trong một hệ liền mạch
- Hai giường nhỏ kết hợp lại thành một giường to (phòng 2 giường có thể dễ dàng chuyển thành phòng 1 giường)
- Minibar kết hợp với tủ kho chăn gối hoặc kết hợp để đồ khác
- Tủ đầu giường kết hợp với bàn nước
- Tủ áo kết hợp với giá để hành lí hoặc dưới để hành lí trên treo đồ
- Bàn uống nước kết hợp với ghế sofa có thể thành bàn làm việc
Giá hành lý kết hợp với bàn viết (khách sạn Allure, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Bàn viết kết hợp với bàn ăn (khách sạn Allure, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Hai giường phòng twin kết hợp lại thành 1 giường phòng double (khách sạn Allure, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Minibar kết hợp tủ kho chăn gối (khách sạn Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Tab đầu giường kết hợp bàn nước (khách sạn Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Thực tế những giải pháp này không phải là mới trên thế giới nên du lịch Việt Nam rất cần vừa học hỏi vừa tiếp tục sáng tạo và khai thác vẻ đẹp tiềm ẩn của bản sắc địa phương. Có như thế chúng ta mới theo kịp các xu hướng và thay đổi để trở nên chuyên nghiệp hơn.
Bài tiếp theo sẽ nói về các bố trí WC để mở rộng ko gian phòng nghỉ của khách sạn, mời các bạn đón đọc!
12/1/2020.
Xin chào, tôi băn khoăn liệu có thể thiết kế khách sạn Mini với ngoại thất kiểu âu nhưng nội thất kiểu Nhật không nhỉ. Cám ơn